CỘNG HƯỞNG: THẤY VÀ ĐƯỢC THẤY, TRỌN VẸN CHÂN THỰC
Có bao giờ chúng ta cảm thấy được thấy, được nghe, được nhìn thật sự như là chính mình bởi người đang đối diện chúng ta không?
CỘNG HƯỞNG: THẤY VÀ ĐƯỢC THẤY, TRỌN VẸN CHÂN THỰC
Hôm qua Sài Gòn mưa to, tôi ngồi cùng một người bạn lâu ngày không gặp trong quán cà phê gần nhà. Giữa câu chuyện, bạn chợt im lặng, ánh mắt nhìn xa xăm qua khung cửa sổ lăn tròn những hạt mưa. Tôi không hỏi gì, chỉ ngồi yên, để cho khoảng lặng ấy tự nói lên điều cần nói. Vài phút sau, bạn quay lại, mỉm cười nhẹ: "Cảm ơn anh đã để em được im lặng. Lâu lắm rồi em mới được ai đó ngồi cạnh mà không cần phải cố gắng lấp đầy khoảng trống bằng lời nói".
Khoảnh khắc ấy, tôi chợt nhớ đến câu hỏi mà thầy Lê Nguyên Phương đặt ra trong buổi webinar về Cộng hưởng trong tương tác với tha nhân tháng trước:
"Có bao giờ chúng ta cảm thấy được thấy, được nghe, được nhìn thật sự như là chính mình bởi người đang đối diện chúng ta không?"
Và tôi tự hỏi, trong thế giới ồn ào này, liệu chúng ta có đang dần đánh mất đi năng lực quý giá nhất của con người - khả năng cộng hưởng [resonance] với nhau?
Cộng hưởng không phải là kỹ năng cần học mà là năng lực vốn có đang bị che lấp. Giống như ánh trăng luôn ở đó, chỉ là mây mù che khuất. Vậy đâu là những đám mây đang che mờ khả năng cộng hưởng của chúng ta?
A. MÂY MỜ CHE PHỦ CHÂN TÂM
1. Khi "kết nối" trở thành ảo ảnh
Nghịch lý thay, chúng ta sống trong thời đại được gọi là "siêu kết nối" với hàng ngàn "bạn bè" trên mạng xã hội, nhưng lại cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết. Chúng ta gặp nhau nhiều hơn nhưng thấy nhau ít hơn. Nói chuyện nhiều hơn nhưng hiểu nhau ít hơn.
Tôi nhớ một buổi tham vấn với một cặp vợ chồng trẻ cuối năm ngoái. Cuộc hôn nhân mới chỉ kéo dài hơn một năm. Tôi cảm thấy, họ ngồi cạnh nhau nhưng như hai hòn đảo riêng biệt. Khi người vợ nói về nỗi cô đơn trong chính ngôi nhà của mình, người chồng ngạc nhiên: "Nhưng anh ở nhà mỗi tối mà?". Đúng, thân xác ở đó, nhưng tâm hồn thì ở đâu? Ánh mắt nhìn vào điện thoại nhiều hơn nhìn vào mắt nhau. Tai nghe tiếng notification nhiều hơn nghe tiếng thở dài của người bên cạnh.
Ở cạnh, nhưng không hiện diện, thiếu kết nối, và tất nhiên chẳng thể cộng hưởng.
2. "Radio độc thoại" và nỗi ám ảnh phải có câu trả lời
Có lần, trong một buổi workshop về Lắng nghe dành cho học sinh, tôi mời các em thực hành lắng nghe trong tĩnh lặng - một người chia sẻ trong 3 phút, người kia chỉ lắng nghe, không được nói gì. Điều đáng ngạc nhiên là nhiều bạn thấy việc im lặng còn khó hơn cả việc nói: "Em cứ muốn chen vào để cho lời khuyên", "Em thấy ngứa ngáy, bứt rứt khi không được nhận xét", "Em sợ im lặng khiến người kia nghĩ mình không quan tâm"...
Đó chính là "radio độc thoại" - cái tâm luôn bận rộn phân tích, đánh giá, so sánh, tìm giải pháp.
Đã biết bao lần chúng ta lắng nghe không phải để hiểu, mà để trả lời? Chúng ta nhìn không phải để thấy, mà để phán xét?
Tôi cũng tự nhìn lại chính mình - đã bao nhiêu lần khi học trò hay phụ huynh tâm sự, tôi đã vội vàng đưa ra "phương pháp", "kỹ thuật", "giải pháp", hay ít nhất là “phân tích”, thay vì chỉ đơn giản là ở đó, thực sự hiện diện và dung chứa câu chuyện của họ? Bao nhiêu lần tôi đã biến mình thành "người giải quyết vấn đề" thay vì là "người đồng hành"?
3. Chấn thương, nội kết: Bức tường vô hình
Nhưng có lẽ rào cản sâu xa nhất chính là những chấn thương chưa được chữa lành. Như thầy Phương chia sẻ về chính thầy - nếu vết thương ly hôn chưa lành, làm sao có thể thực sự lắng nghe một người phụ nữ muốn ly hôn mà không bị cảm xúc cá nhân chi phối?
Tôi nhớ đến một người bạn, một nhà tham vấn không bao giờ nhận những ca về mất mát. Mãi sau này bạn mới nhận ra, đó là vì nỗi đau mất cha từ nhỏ vẫn còn đó, chưa được đối diện và chữa lành.
Chấn thương tâm lý và các nội kết như những bức tường vô hình, ngăn cách chúng ta với người khác, và quan trọng hơn - ngăn cách chúng ta với chính mình.
B. HÀNH TRÌNH TRỞ VỀ: TỪ "LÀM" SANG "LÀ"
Khi được học và được cùng thầy Phương phát triển tiếp cận Tham vấn Chánh niệm Tâm-Thể (SOMI), tôi thực sự khắc sâu điều này:
Cộng hưởng không phải là điều ta "làm" mà là điều ta "là". Không phải kỹ thuật để áp dụng mà là trạng thái tự nhiên để ta trở về.
Giống như học chơi đàn - ban đầu ta tập trung vào kỹ thuật, vào nốt nhạc, vào việc "làm đúng". Nhưng âm nhạc thực sự chỉ bắt đầu khi ta quên đi kỹ thuật, khi ngón tay và tâm hồn hòa làm một, khi ta không còn "chơi" nhạc mà "trở thành" âm nhạc.
Vậy làm sao để nuôi dưỡng năng lực cộng hưởng trong cuộc sống hàng ngày? Tôi xin chia sẻ một vài thực hành nhỏ mà tôi đã thử nghiệm:
1. “Nghi thức giác quan” buổi sáng
Thay vì vội vàng mở điện thoại, check email, hãy dành 5 phút đầu tiên chỉ để... cảm nhận các giác quan khi mình vừa tỉnh dậy. Cảm nhận cơ thể còn nằm trên giường, cảm giác chăn còn đắp trên thân, cảm giác từng cơ bắp còn đang rất thả lỏng, hay tâm trí còn hơi mơ màng... Khi mở đầu một ngày mới cộng hưởng với chính mình, tâm-thể ta sẽ dễ dàng cộng hưởng hơn với người.
2. Một khoảng lặng thay vì một câu trả lời
Khi ai đó chia sẻ khó khăn, thay vì vội đưa lời khuyên, hãy bình lặng ở cạnh họ, cho câu chuyện và cảm xúc được tuôn chảy trọn vẹn. Đôi khi họ chỉ cần được nghe, không cần giải pháp.
Học cách thoải mái với im lặng. Khi ai đó ngừng nói, đợi thêm 3 giây trước khi phản hồi. Trong khoảng lặng ấy, điều kỳ diệu thường xảy ra.
3. Lắng nghe bằng cơ thể
Khi trò chuyện với ai đó, thỉnh thoảng hãy chú ý: Vai mình đang co cứng hay thả lỏng? Hơi thở nông hay sâu? Nhiệt độ cơ thể đang nóng lên hay mát đi? Cơ thể là chiếc la bàn chính xác nhất cho biết mức độ kết nối thực sự.
4. Nhật ký tĩnh lặng
Cuối ngày, dành 10 phút ngồi yên và để cho ngày hôm ấy "nói chuyện" với bạn. Không phân tích, không đánh giá, chỉ quan sát những cảm xúc, suy nghĩ nổi lên như xem mây trôi.
C. SỐNG LÀ CỘNG HƯỞNG
1. Cộng hưởng cùng tự nhiên
Cộng hưởng không dừng lại ở con người. Như thầy Phương gợi ý, ta có thể cộng hưởng với vạn vật. Tôi vẫn nhớ mãi một buổi chiều trong chuyến thám hiểm hang Hung Thoòng tại Quảng Bình, tôi được nằm ngửa, dang rộng tay chân dưới sàn hang mát lạnh, mắt nhìn lên vòm đá cao vài chục mét, xen lẫn giữa bóng tối là những điểm sáng lấp lánh của khoáng thạch như sao trời, bên tai là tiếng chảy của dòng nước ngầm trong vắt. Trong khoảnh khắc ấy, ranh giới giữa tôi và thiên nhiên như tan biến. Tôi không còn là người "ngắm" hang, mà "là" một phần của hang.
Có lẽ đó cũng là lời nhắc nhở cho chúng ta trong thời đại ngày càng xa rời thiên nhiên này. Khi ta mất kết nối với thiên nhiên, ta cũng mất đi một phần kết nối với chính mình và với nhau.
2. Càng cố gắng càng mất cộng hưởng
Có một nghịch lý là: càng cố gắng cộng hưởng, ta càng khó đạt được nó. Giống như cố gắng ngủ khi mất ngủ - càng cố càng tỉnh.
Cộng hưởng đến khi ta thả lỏng, khi ta từ bỏ ý đồ, khi ta đơn giản chỉ là hiện diện.
Tôi học được điều này từ chính đứa con 6 tuổi của mình. Bạn rất thích vẽ và chơi Lego, mỗi khi bạn làm 2 hoạt động này, bạn sẽ cực kỳ tập trung mà vẫn hào hứng, vui thích, sáng tạo vô cùng tự nhiên. Những khi mệt mỏi hay căng thẳng, hoặc khi đầu óc đặc cứng, tôi hay ngồi xuống chơi cùng con và để cho con “chỉ dẫn” mình tham gia cuộc chơi. Tự nhiên, không cần lời nói, hai cha con chúng tôi lại phối hợp rất ăn ý và cảm nhận được cảm xúc của nhau mà không cần bất kỳ sự nỗ lực hay kỹ thuật, phương pháp nào.
3. Cộng hưởng là Hiện diện
Trong một thế giới đang ngày càng vội vã, ngày càng ồn ào, ngày càng "kết nối" nhưng cô đơn, có lẽ điều mang tính “cách mạng” nhất mà chúng ta có thể làm là học cách thực sự hiện diện - với chính mình, với nhau, với khoảnh khắc này.
Cộng hưởng không phải là một kỹ năng kiêu kỳ dành cho các nhà trị liệu hay coach. Nó là năng lực sinh tồn, là liều thuốc chữa lành cho nỗi cô đơn hiện đại, là cầu nối để chúng ta tìm lại nhau trong một thế giới đang ngày càng chia rẽ.
Trong Ngày hội An Lạc lần 3 tại Đà Nẵng, trong những khoảnh khắc xúc động nhất, thầy Phương có nói: "Mình xứng đáng được yêu thương và tất cả mọi người chung quanh chúng ta cũng xứng đáng được mình yêu thương." Nhưng để yêu thương thực sự, trước hết ta phải thấy - thấy bằng cả trái tim, thấy bằng cả sự hiện diện, thấy bằng cả hơi thở.
Tối nay, khi về nhà, thay vì vội vàng bật TV hay lướt điện thoại, bạn có thể dành 5 phút ngồi yên lặng không? Nhìn người thân của mình - thực sự nhìn - như lần đầu tiên gặp họ? Lắng nghe không chỉ lời nói mà cả những gì họ không nói?
Trong khoảnh khắc ấy, có thể bạn sẽ nhận ra:
Cộng hưởng không ở đâu xa, nó luôn ở đó, trong mỗi hơi thở, trong mỗi ánh nhìn, trong mỗi khoảng lặng thiêng liêng giữa ta và cuộc đời.
Bởi vì suy cho cùng, chúng ta không chỉ là những hòn đảo riêng lẻ. Chúng ta là những làn sóng trong cùng một đại dương, những nốt nhạc trong cùng một bản giao hưởng vũ trụ. Và khi ta nhớ lại điều đó, cộng hưởng không còn là điều ta cần tìm kiếm - nó đơn giản là điều ta đang là.
Lương Dũng Nhân, M.Ed, PCC.
CEO WISEDUCATION
—
QUÀ TẶNG ĐẶC BIỆT TỪ WISEDUCATION DÀNH CHO BẠN NHÂN NGÀY GIA ĐÌNH VIỆT NAM: GIẢM NGAY 2 TRIỆU ĐỒNG VỚI CÁC BẠN ĐĂNG KÝ KHÓA “KỸ NĂNG THAM VẤN THIẾT YẾU THEO TIẾP CẬN TÂM-THỂ (SOMI-A)” DO TIẾN SĨ LÊ NGUYÊN PHƯƠNG TRỰC TIẾP GIẢNG DẠY NẾU ĐĂNG KÝ TRƯỚC 24H NGÀY 30/6/2025.
CHƯƠNG TRÌNH SẼ KHAI GIẢNG NGÀY 26/7/2025 TẠI TP.HCM, VÀ NGÀY 23/8/2025 TẠI HÀ NỘI. NĂNG LỰC CỘNG HƯỞNG CHÍNH LÀ MỘT NỀN TẢNG CỐT LÕI ĐƯỢC HÌNH THÀNH TRONG CHƯƠNG TRÌNH NÀY, CÙNG VỚI 3 NĂNG LỰC TƯƠNG GIAO-THAM VẤN KHÁC LÀ PHẢN TƯ [REFLECTION], HÓA GIẢI [RESOLUTION], VÀ TÁI TẠO [RECREATION].
Các bạn có thể tìm hiểu thêm khóa học và đăng ký thông tin để WISEDUCATION tư vấn trên landing page: https://somia.wiseducation.vn/. Hoàn tất thủ tục đăng ký trước 24h ngày 30/6 để nhận được ưu đãi đặc biệt - giảm 2 triệu đồng - nhân Ngày Gia đình Việt Nam.